Nắm được các loại biển báo giao thông là điều bắt buộc đối với những ai điều khiển các phương tiện giao thông. Để tránh việc vô tình vi phạm luật giao thông thì bạn đừng bỏ qua bài viết này nhé! Dưới đây, chúng tôi sẽ tổng hợp những biển báo xuất hiện phổ biến nhất trên mọi tuyến đường, hãy cùng nhau theo dõi nhé.
Biển báo giao thông là gì?
Hiện chưa có bất kỳ quy định nào về khái niệm biển báo giao thông nhưng có thể hiểu đơn giản biển báo giao thông là các loại biển hiệu được đặt trên các cung đường để biểu thị các thông tin đến người tham gia giao thông.
Căn cứ vào Khoản 1, Điều 10, Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12, hệ thống báo hiệu đường bộ bao gồm:
- Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông,
- Tín hiệu đèn giao thông,
- Biển báo hiệu,
- Vạch kẻ đường,
- Cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
Các loại biển báo giao thông đường bộ dễ gặp cần phải nhớ
Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, các loại biển báo giao thông đường bộ mang những ý nghĩa khác nhau như sau:
Biển báo cấm
Biểu báo cấm là các loại biển biểu thị những điều cấm không được vi phạm khi tham gia giao thông. Nhóm biển báo cấm có tổng cộng 39 biển và được đánh số thứ tự từ biển số 101 đến biển số 139. Người tham gia giao thông cần phải chấp hành nghiêm chỉnh những điều cấm mà biển đã báo.
Các loại biển báo cấm hầu hết đều được thiết kế với viền đỏ, nền màu trắng và hình vẽ màu đen với ý nghĩa biểu tượng cho những điều mà pháp luật quy định bị cấm hoặc hạn chế. Các loại biển báo cấm này có thể có hiệu lực đối với tất cả các làn đường, hoặc một hoặc một số làn một chiều.
Các làn đường phải được phân chia một cách riêng biệt bằng các vạch kẻ đường dọc liền trên mặt phần xe chạy. Nếu hiệu lực của biển báo cấm hạn chế trên một hoặc một số làn đường, thì cần phải treo biển cùng với một biển phụ số 504 đặt ngay bên dưới biển chính.
Xem thêm: Vượt đèn vàng bị phạt không?
Biển báo nguy hiểm
Nhóm biển báo nguy hiểm và cảnh báo là các loại biển báo được dùng để báo cho người điều khiển phương tiện giao thông biết trước tính chất của sự nguy hiểm hoặc những điều cần chú ý phòng ngừa trên tuyến đường giao thông nhất định để chủ động phòng ngừa kịp thời tai nạn.
Biển báo nguy hiểm thông thường là những loại biển báo có dạng hình tam giác đều, viền đỏ, nền vàng, trên nền có hình vẽ màu đen để mô tả sự việc cần báo hiệu. Nhờ có những biển báo này mà người tham gia giao thông có thể tránh được các trường hợp rủi ro xảy ra.
Biển báo hiệu lệnh
Nhóm biển báo hiệu lệnh có tác dụng dáo cho người điều khiển phương tiện giao thông biết các điều bắt buộc phải chấp hành khi tham gia giao thông. Biển hiệu lệnh bao gồm 10 kiểu thông dụng được đánh số thứ tự từ biển số 301 đến biển số 310.
Nhóm biển báo giao thông hiệu lệnh thường có dạng hình tròn, nền xanh và trên nền có hình vẽ màu trắng. Chúng sẽ đưa ra những hiệu lệnh mà người đi đường bắt buộc phải thực hiện như: phải đi thẳng, chạy nhanh hơn tốc độ tối thiểu, vòng sang phải,…
Biển báo chỉ dẫn
Nhóm biển chỉ dẫn là những loại biển được dùng để chỉ dẫn hướng đi chính xác hoặc những điều mà mọi người cần lưu ý nhằm giúp việc điều khiển phương tiện giao thông thuận lợi, đảm bảo an toàn. Nhóm biển này có tổng cộng 48 kiểu được đánh số thứ tự từ 401 đến 448.
Nhóm biển báo giao thông chỉ dẫn thường được thiết kế có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật với nền xanh và hình vẽ màu trắng. Nhờ có những biển báo này mà việc điều khiển và hướng dẫn giao thông khá suôn sẻ.
Biển báo phụ
Nhóm biển báo phụ, biển viết bằng chữ thường được sử dụng để thuyết minh bổ sung nội dung cần thiết cho các nhóm biển còn lại. Biển phụ bao gồm có tổng cộng 10 kiểu được đánh số thứ tự từ biển số 501 đến biển số 510.
Biển báo phụ được thiết kế với dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật với viền đen xungquang, nền trắng và có hình vẽ bên trong màu đen. Các biển báo phụ thường được sắp xếp nằm dưới các biển báo chính với tác dụng bổ sung làm rõ ý nghĩa cho các biển báo chính. Loại biển báo này luôn được đặt kết hợp với các biển báo nguy hiểm, biển báo hiệu lệnh, biển báo cấm và biển chỉ dẫn để thuyết minh bổ sung giúp người tham gia giao thông hiểu rõ hơn các biển chính.
Biển báo trên đường cao tốc
Đường cao tốc là loại đường đặc biệt bởi nó chỉ dành cho xe cơ giới chạy với tốc độ cao. Trên các tuyến đường cao tốc, chúng ta có thể thấy luôn có dải phân cách để phân chia phần đường cho xe chạy theo hai chiều ngược nhau riêng biệt và không bao giờ giao cắt cùng mức với đường khác. Khi lái xe trên những đoạn đường này, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy hệ thống biển báo tại đây có nhiều điểm khác so với biển báo giao thông trên đường bộ bình thường.
Các loại biển báo giao thông đường thuỷ
Biển báo hiệu dẫn luồng
Biển báo hiệu dẫn luồng của đường thủy cho thấy giới hạn, vị trí của luồng tàu chạy. Đây là những biển báo về các giới hạn phạm vi chiều rộng, vị trí hoặc hướng của luồng tàu chạy. Những biển báo này có tác dụng nhằm hướng dẫn phương tiện đi đúng theo luồng tàu.
Biển báo hiệu chỉ vị trí nguy hiểm hay vật chướng ngại trên luồng
Đây là các loại biển báo hiệu vị trí chính xác của những chướng ngại vật, vị trí hoặc khu vực nguy hiểm trên luồng để người điều khiển tàu có thể phòng tránh và đảm bảo an toàn cho phương tiện và công trình trên tuyến.
Biển báo hiệu thông báo, chỉ dẫn
Biển báo hiệu thông báo, chỉ dẫn được đặt trên đường thủy có tác dụng thông báo những tình huống có liên quan đến luồng tàu chạy hoặc những điều kiện tàu chạy để các phương tiện có thể kịp thời đưa ra các biện pháp phòng ngừa và xử lý. Nhóm biển báo này bao gồm các báo hiệu thông báo cấm, chỉ dẫn và thông báo, thông báo sự hạn chế.
Các loại biển báo giao thông đường sắt
Hệ thống biển báo hiệu đường sắt của nước ta được quy định tại Điều 18, Thông tư 25/2018/TT-BGTVT, cụ thể như sau:
- Biển báo giao nhau với đường sắt không có rào chắn: Loại biển báo này báo trước sắp đến chỗ giao nhau giữa đường bộ và đường sắt không có rào chắn cũng như không có người điều khiển giao thông.
- Biển báo giao nhau với đường sắt có rào chắn: Loại biển báo này cho biết sắp đến chỗ giao nhau giữa đường bộ và đường sắt có rào chắn kín hoặc có chắn nửa kín bố trí theo trật tự xen kẽ ở mỗi bên đường sắt, đồng thời có nhân viên ngành đường sắt điều khiển giao thông.
- Đường sắt cắt ngang đường bộ: Biển báo này cho biết tại chỗ giao nhau, đường sắt chỉ cắt ngang 1 đường bộ.
- Đường sắt cắt ngang hai đường bộ: Biển báo này cho biết tại chỗ giao nhau, đường sắt cắt ngang 2 đường bộ.
Vạch kẻ đường – hình ảnh và ý nghĩa
Vạch kẻ đường dọc
Có rất nhiều loại vạch kẻ đường dọc xuất hiện trên các tuyến đường. Các bạn có thể dễ dàng gặp chúng ở bất cứ đâu. Cụ thể các loại vạch kẻ đường dọc phổ biến nhất bao gồm những loại sau:
Vạch dọc liền
Đây là loại vạch kẻ đường dọc được dùng để thông báo cấm các loại xe cơ giới và xe thô sơ không được vượt qua hoặc đè lên vạch đó. Đây là ranh giới để phân chia tuyến đường thành 2 chiều hoặc phân chia phần đường dành cho xe thô sơ với xe cơ giới.
Vạch dọc liền kép
Loại vạch này được dùng để tăng thêm sự chú ý cho các tài xế và để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho những người tham gia giao thông. Vạch dọc liền kép thường xuất hiện ở những đoạn đường vòng, nguy hiểm hoặc các tuyến đường thẳng, rộng có thể cho phép xe chạy với tốc độ cao. Các tài xế chạy trên đoạn đường có kẻ vạch này sẽ không được vượt ô tô đi trước.
Vạch dọc đứt
Vạch dọc đứt xuất hiện rất nhiều trên các tuyến đường được dùng để phân chia làn xe cơ giới; phần đường cho xe thô sơ và xe cơ giới. Ô tô chạy trên đoạn đường có vạch kẻ này được phép vượt ô tô đi trước. Tuy nhiên, ngay sau khi vượt xong thì các xe phải nhanh chóng di chuyển về lại phần đường của mình.
Vạch ngang đường
Vạch liền ngang
Vạch liền ngang được xem như một loại biển báo “dừng lại” đối với tất cả các loại phương tiện (trừ những trường hợp được ưu tiên). Tất cả các loại xe đều phải dừng lại trước vạch rồi chờ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Vạch đứt quãng ngang đường
Vạch đứt quãng ngang đường là loại vạch thường xuyên được sử dụng để phân chia phần đường dành cho người đi bộ hoặc người đi xe đạp. Nó được đặt ở những vị trí gần nút giao sang đường.
Vạch kẻ đường màu trắng
Vạch đơn nét đứt
Vạch kẻ đường đơn nét đứt màu trắng xuất hiện phổ biến và thường xuyên gặp nhất hiện nay. Đây là loại vạch được dùng để phân chia các làn xe cùng chiều. Vạch đơn nét đứt màu trắng cho phép các phương tiện có thể chuyển làn qua vạch khi cần thiết. Khi muốn chuyển làn thì các phương tiện cần phải ra tín hiệu xin chuyển làn đường.
Vạch đơn nét liền trắng
Loại vạch này cũng được sử dụng để phân chia các làn xe cùng chiều trên cùng một đoạn đường. Các phương tiện cần phải đi đúng làn và không được phép chuyển làn, hoặc sử dụng làn xe khác, không được đè lên vạch hoặc lấn làn. Các phương tiện muốn chuyển làn phải chờ đến khi gặp nút giao hoặc vạch kẻ đường nét đứt.
Vạch đôi nét liền trắng
Ý nghĩa của loại vạch này là dòng phân cách các phương tiện giao thông đi ngược chiều, với những đoạn đường có 4 làn xe trở lên và đồng thời xe không được phép đè lên vạch.
Vạch kẻ đường màu vàng
Vạch vàng nét đứt
Vạch vàng nét đứt, dạng đơn được dùng để phân chia hai làn đường xe chạy ngược chiều với các đoạn đường có 2 làn xe trở lên và không có dải phân cách ở giữa. Khi gặp vạch này, các phương tiện giao thông được phép cắt qua sử dụng làn ngược chiều ở cả hai phía nhưng cần chú ý đảm bảo an toàn khi lấn làn.
Vạch vàng nét liền
Vạch vàng nét liền dạng đơn được sử dụng để phân chia phần đường chohai chiều xe chạy dành ở những đoạn đường đường có 2 hoặc 3 làn xe và không có dải phân cách ở giữa. Các phương tiện giao thông không được phép đè lên vạch này hoặc lấn làn hoặc vượt xe. Loại vạch kẻ đường này được sử dụng trên những đoạn đường không đảm bảo được tầm nhìn vượt xe của các tài xế và có nguy cơ gây tai nạn đối đầu.
Hai vạch vàng song song
Vạch kẻ đường màu vàng chạy song song thường được đặt ở những tuyến đường rộng, với 4 làn xe trở lên và không có dải phân cách ở giữa. Các phương tiện giao thông như: ô tô, xe tải khi di chuyển trên đoạn đường này thì không được phép lấn làn hoặc đè lên vạch kẻ. Loại vạch kẻ này thường thấy ở những cung đường không đảm bảo tầm nhìn vượt xe, hoặc những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đối đầu.
Vạch vàng song song, một đứt, một liền
Loại vạch kẻ đường này thường dùng để phân chia hai chiều xe chạy với những tuyến đường có trên 2 làn xe và không có dải phân cách. Chúng được sử dụng để cấm xe sử dụng làn ngược chiều theo một hướng quy định để đảm bảo an toàn.
Những phương tiện chạy trên làn đường tiếp giáp với vạch nét đứt được phép cắt qua và sử dụng với làn ngược chiều khi cần thiết. Ngược lại, các phương tiện chạy trên làn đường tiếp giáp với vạch nét liền thì không được cắt qua vạch, không được vượt xe.
Vạch vàng đứt song song
Khi xuất hiện 2 vạch vàng đứt song song có nghĩa là xe có thể thay đổi hướng chạy theo thời gian cụ thể. Hướng phương tiện giao thông chạy ở một thời điểm nào đó có thể được đổi chiều theo quy định của cảnh sát giao thông, tín hiệu đèn báo,…
Vạch làn đường ưu tiên
Theo đúng tên gọi của nó, loại vạch kẻ đường này chỉ giới hạn làn đường dành cho một loại xe cơ giới nhất định và thường là vạch nét liền. Các loại xe không thuộc diện ưu tiên sẽ không được phép đi vào trừ các trường hợp khẩn cấp.
Loại vạch làn đường ưu tiên là vạch nét đứt sẽ ưu tiên cho 1 loại xe cơ giới nhất định. Tuy nhiên, khi gặp vạch kẻ đường này thì các xe khác cũng có thể sử dụng làn này, nhưng phải nhường đường cho xe ưu tiên trước. Các phương tiện ưu tiên có thể chạy đè lên vạch, lấn sang làn đường liền kề nếu làn đường bên cạnh không cấm sử dụng loại xe này.
Vạch trắng hình con thoi
Khi gặp vạch kẻ đường màu trắng hình con thoi tức là bạn sắp đến chỗ có bố trí vạch dành cho người đi bộ qua đường. Vạch này giúp người lái xe có sự chuẩn bị giảm tốc độ để nhường đường cho người đi bộ.
Vạch trắng xương cá chữ V
Vạch kẻ đường màu trắng hình xương cá chữ V thường xuất hiện ở những khu vực gần đến các cây cầu vượt. Vạch này được gọi là vạch kênh hóa dòng xe nên chúng được dùng để chia phương tiện thành hai hướng đi. Các phương tiện không được phép lấn vạch, không được cắt qua vùng có vạch này, trừ những trường hợp khẩn cấp theo quy định.
Vạch mắt võng
Do không được quy định trong quy chuẩn 41 nên loại vạch này không có hiệu lực về luật. Vạch mắt võng mang tính chất hình ảnh, giúp người đi đường có thể phân biệt rõ hơn, bởi kèm theo vạch mắt võng là mũi tên chỉ dẫn rẽ phải. Do đó, nếu bạn không rẽ phải mà lại đi thẳng thì bạn có thể bị xử phạt lỗi “không tuân thủ hiệu lệnh của biển báo, vạch kẻ đường”.
Khi bạn gặp vạch mắt võng này trên đường mà không có ý định rẽ phải thì hãy xin chuyển làn sớm. Ngoài ra, vạch mắt võng được bố trí để báo cho người điều khiển các phương tiện giao thông rằng không được phép dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.
Vạch làn chờ rẽ trái
Khi gặp nút giao trên các giao lộ rộng vì có rất nhiều làn xe cũng như có dải phân cách các loại xe nên chúng ta thường thấy có xuất hiện các vạch đường chờ rẽ trái. Vạch làn chờ rẽ trái được sử dụng để tạo không gian dừng chờ cho các xe rẽ trái.
Vạch kẻ này được dùng khi đã vượt qua vạch dừng xe trên nhánh dẫn của nút giao có đèn tín hiệu nhưng do đường tắc nên không thể vượt qua nút trong thời gian tín hiệu đèn cho phép rẽ trái. Vì vậy, khi hết tín hiệu đèn cho phép rẽ trái nhưng xe vẫn chưa rẽ và đã vượt qua vạch dừng xe trên nhánh dẫn thì các phương tiện vẫn phải dừng lại ở khu vực làn chờ.
Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về biển báo giao thông mà chúng tôi đã tổng hợp và muốn chia sẻ tới các bạn. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình tham gia giao thông. Nếu các bạn có nhu cầu học và thi bằng lái xe, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn kỹ lưỡng nhất nhé.
Xem thêm: Quy định mới nhất về ảnh bằng lái xe